Ranh giới nào giữa hội hoạ và thời trang

Từ khi trong ý thức xuất hiện hình dung thời trang như biểu tượng của cái đẹp cũng là khi giữa thời trang và hội hoạ xuất hiện sợi dây liên kết không thể tách rời. Mối liên kết ấy hoà quyện như một thứ tình yêu theo thời gian ngày càng thăng hoa minh chứng bằng hàng loạt bộ sưu tập của các hãng thời trang tên tuổi cộng tác cùng các hoạ sĩ hàng đầu trong cương vị người sáng tạo ý tưởng suốt những năm gần đây. Từ đó, thế giới của hội hoạ và thời trang xích lại và trở nên gần gũi hơn bao giờ hết.

Ranh giới nào giữa hội hoạ và thời trang

Có thể nói, nếu một phục trang là "con người", thì hội hoạ chính là phần làm nên cốt cách tinh thần "con người" ấy. Nhờ bố cục, đường nét, khối sáng và phối màu tất cả đặt lên chất liệu để thổi hồn vào thời trang. Hội hoạ là nghệ thuật được gói gọn trong những khuôn tranh đóng khung trên những bức tường, hay hội hoạ có thể sống động trên chính cơ thể con người trên từng bước đi? Bộ sưu tập Haute Couture năm 2015 của Viktor & Rolf ra mắt với cái tên "Wearable art" đã là câu trả lời vô cùng rõ ràng. Những thiết kế này phần lớn sử dụng các chất liệu có độ cứng, sáng tạo bằng các chi tiết cắt cúp mô tả khuôn tranh. Sự thành công của bộ sưu tập không chỉ dừng lại ở sự ghi nhận của công chúng làng thời trang, mà còn thuyết phục cả trong lĩnh vực hội hoạ khi nhà sưu tập các tác phẩm nghệ thuật Han Nefkens đã mua lại toàn bộ thiết kế trong "Wearablbe art" và quyên tặng chúng cho bảo tàng Boijmans Van Beuningen. 

Mội câu hỏi có lẽ bất cứ ai quan tâm đến cả hội hoạ và thời trang đều tò mò, sẽ thế nào nếu đặt trọn vẹn bức tranh lên một sản phẩm thời trang? Đó là sự kết hợp tuyệt vời - Hermes chứng minh bằng sản phẩm khăn lụa huyền thoại khi cộng tác với hoạ sĩ Kermit Oliver trong suốt nhiều năm trở lại đây. Với cương vị là nhà thiết kế người Mỹ đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm hiện tại cho dòng khăn cao cấp của thương hiệu Pháp này, Oliver vẽ nên những bức hoạ đáng giá hàng chục nghìn đô, và mặt khác, là người đưa những bức vẽ của mình lên 410 mẫu khăn lụa trong suốt 16 bộ sưu tập của Hermes được bán ra trên toàn thế giới.

Hoạ tiết trên nền một mẫu thiết kế, có lẽ là phần mang tính hoạ nhiều nhất trong thời trang. Hai xu hướng ứng dụng hội hoạ đang phổ biến nhất phải được kể đến là hoạ tiết kẻ 3D và phối mảng màu đa sắc. Hoạ tiết kẻ 3D được tạo nên từ việc lựa chọn khối màu theo thiên hướng hiện đại, cá tính và độc đáo như thiết kế của Stella McCartney, hoặc, có chút nét cổ điển đầy phóng khoáng như thiết kế của Dolce & Gabbana 2016. Trong việc phối mảng màu đa sắc, thì hình khối góc cạnh và tính tương phản cao là thế mạnh của Karen Walker còn tạo nên những hoạ tiết chấm phá trừu tượng đầy nữ tính là sức hút không thể chối bỏ trong hầu hết những mẫu váy Haute Couture của Elise Saab.

Những ứng dụng của hội hoạ trong thời trang, thực sự đã khiến hội hoạ trở nên gần gũi và sống động hơn bao giờ, thậm chí còn khiến nó trở thành một phần đời sống rất thật, là nghệ thuật không khoảng cách.    

Chat với Kacana